Việc Trung Quốc từng bước thôn tính Biển Đông bằng thủ đoạn hợp thức hoá Đường 9 đoạn (đường Lưỡi bò) đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận quốc tế, trong đó có nhân dân Trung Quốc.
Học giả Lý lệnh Hoa: Trung Quốc không nên nêu vấn đề Đường 9 đoạn
Học giả Lý Lệnh Hoa, người từng viết nhiều bài thẳng thắn bày tỏ quan điểm phản đối chính sách của chính phủ Trung Quốc đối với Biển Đông, ngày 5-12 đã đăng trên diễn đàn mạng Sina bài “Trung Quốc không nên nêu Đường 9 đoạn trong vấn đề Nam Hải (Biển Đông)”, phê phán chủ trương sai trái của chính phủ Trung Quốc.
Ông Lý Lệnh Hoa viết: “Mấy ngày nữa là đến kỷ niệm 30 năm ngày ký Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Là nước ký và phê chuẩn Công ước, nước ta (Trung Quốc) cần phải xử lý vấn đề biên giới biển và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ theo tinh thần và những điều khoản của Công ước, giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hoà bình, tỏ cho quốc tế thấy thành ý của mình.
Tôi không tán thành quan điểm chung chung, mơ hồ trong bài bình luận nhan đề “Phải gia tăng mối nguy hiểm cho Việt Nam khi họ khai thác dầu khí bên trong Đường 9 đoạn” của Thời báo Hoàn cầu ngày 5-12.
Ảnh hưởng của bài báo này chỉ gây thêm rắc rối và hỗn loạn cho việc nước ta giải quyết vấn đề Nam Hải. Trung Quốc chưa xác định được biên giới biển với Việt Nam và các quốc gia khác trên Nam Hải.
Nhiệm vụ hiện nay là nhanh chóng tiến hành công tác phân định ranh giới, chứ không phải trì hoãn, thậm chí đùn đẩy. Có thể nói, bài báo đó không giúp được gì cho việc sớm giải quyết vấn đề”.
Đường 9 đoạn trên Nam Hải, được giáo sư Lý Quốc Hưng ở Đại học Giao thông Thượng Hải đề cập năm 2008: “Nó không có kinh độ, vĩ độ cụ thể, không có chỗ dựa về pháp lý. Nếu khẳng định Đường 9 đoạn, chính phủ Trung Quốc cần gì phải xác định và tuyên bố về điểm cơ sở, đường cơ sở lãnh hải, cũng chẳng cần thiết chuẩn bị tuyên bố về điểm cơ bản lãnh hải”.
Ông Lý Lệnh Hoa phê phán những luận điểm sai trái ở Trung Quốc xung quanh “Đường biên giới 9 đoạn” cùng việc chính phủ Trung Quốc mới đây cho phát hành cuốn “hộ chiếu Lưỡi bò”.
Ông viết: “ Những ngày này, cuốn hộ chiếu mới đã làm tăng thêm những rắc rối không cần thiết cho các công dân Trung Quốc khi làm thủ tục xuất ngoại, cho dù (Trung Quốc) nói việc thiết kế hộ chiếu này không nhằm vào bất cứ quốc gia cụ thể nào.
Cuốn “Thực tiễn và án lệ Luật quốc tế Trung Quốc” (Đoàn Khiết Long chủ biên) do giới chức Bộ Ngoại giao xuất bản năm 2011 đã ngầm khẳng định Đường 9 đoạn và cả đường cơ sở lãnh hải dài quá mức, chủ trương vẽ các điểm cơ bản lãnh hải mà không cần xác định đường cơ sở của các đảo bãi nhỏ, từ đó gây nên sự hỗn loạn cho việc nghiên cứu luật biển và phân định biên giới trên biển.
Hội Luật biển Trung Quốc tại hội nghị thường niên họp tháng 8-2011 ở Lư Sơn đã đưa ra định hướng sai trái, coi nhẹ vấn đề xác định chính xác điểm cơ bản lãnh hải.
Tại hội nghị, có vị ở Đại học Chính trị pháp luật Tây Nam thậm chí đã khẳng định địa vị pháp lý của Đường 9 đoạn. Đài truyền hình trung ương (CCTV-1) hàng tối trong chương trình Dự báo thời tiết phía sau bản tin Thời sự cũng trưng ra “Đường biên giới 9 đoạn”.
Một số chuyên gia về biển ở trong nước, trong đó có một số quân nhân đã nói hươu nói vượn, phát ngôn tuỳ tiện trong vấn đề Nam Hải.
Bài báo của giáo sư Đại học Hạ Môn Lý Kim Minh mấy năm gần đây được nhiều người viện dẫn khi xuất bản sách về luật biển.
Ông ta cho đăng nhiều bài về vấn đề Nam Hải trên các ấn phẩm và các cơ quan truyền thông, khẳng định về “đường lịch sử”.
Nhiều quan điểm của ông ta về Nam Hải rất mơ hồ và lỗi thời, ví dụ bài đăng trên China Daily ngày 30-8-2011: “Tuy Công ước LHQ về Luật Biển 1982 quy phạm cho mọi hoạt động biển, nhưng nó không thể phủ nhận quyền lợi lịch sử (của Trung Quốc) ở quần đảo Nam Sa (Trường Sa). Đường biên giới biển truyền thống của Trung Quốc ra đời năm 1947, sớm 47 năm so với Công ước LHQ về Luật biển bắt đầu có hiệu lực năm 1994, khi đó người ta chưa biết đến các khái niệm thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế…”.
Học giả Lý Lệnh Hoa thẳng thắn: “Việc Lý Kim Minh khẳng định về “Đường biên giới 9 đoạn” và phủ định Công ước LHQ về Luật biển 1982 cùng các Điều 74 và 83 quy định về thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế là sai lầm.
Đề xuất của nước ta (Trung Quốc) về việc cần xây dựng Nam Hải thành vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị không thể chỉ là nói suông, cần phải có lý luận, phương châm và chính sách đúng đắn kèm theo.
Mọi người đều biết rõ, “Đường biên giới 9 đoạn” chỉ là một “hư tuyến” (đường ảo), không có thực, một đường không nối liền nhau. Trên thế giới, bất cứ một đường biên giới trên bộ hay trên biển nào cũng đều là đường thực, đó là một thực tế.
“Đường biên giới 9 đoạn” chiếm trọn phần lớn vùng nước Nam Hải, chồng lên vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của các nước khác chủ trương theo “Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.
Trong trào lưu kinh tế toàn cầu nhất thể hóa hiện nay, việc bám lấy “Đường biên giới 9 đoạn” là lỗi thời và không cần thiết. Trong vấn đề Nam Hải, Trung Quốc không nên nêu “Đường biên giới 9 đoạn” ra”.
Báo chí Trung Quốc: “Hộ chiếu Lưỡi bò” gây thêm rắc rối cho dân thường
Việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho phát hành cuốn hộ chiếu phổ thông điện tử có in hình “Đường Lưỡi bò” phía dưới bản đồ Trung Quốc đã gây nên phản ứng mạnh mẽ không những trên quốc tế mà cả trong dư luận Trung Quốc.
Báo điện tử www.163.com của Công ty NASDAQNTES – từng được Trung tâm thông tin Internet Trung Quốc (CNNC) bình chọn đứng đầu 10 trang mạng lớn nhất toàn quốc – đã cho đăng bài của Luân Tử nhan đề Hộ chiếu Lưỡi bò không giúp gì cho việc đòi hỏi lãnh thổ, chỉ gây thêm rắc rối cho dân thường, phản đối cách làm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Bài báo sau đó được rất nhiều báo mạng và diễn đàn mạng đăng lại.
Bài báo viết: “Gần đây, trang bên trong cuốn hộ chiếu phổ thông điện tử của Trung Quốc có in tấm bản đồ, vạch các vùng lãnh thổ tranh chấp vào phạm vi chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lẽ ra cần “tránh gây ra những phiền nhiễu không cần thiết đối với dân thường”, “đảm bảo người trong ngoài nước xuất nhập cảnh bình thường và tạo điều kiện thuận lợi cho họ”, nhưng hành động này chả gây nên thuận tiện gì dù chỉ trên giấy, hiệu quả duy nhất chỉ là gây phiền toái thêm cho dân chúng”.
Bài báo vạch rõ: “Cuốn hộ chiếu có in hình bản đồ gây tranh cãi ở trang trong là loại hộ chiếu điện tử phổ thông dành cho dân thường, còn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu đặc biệt dành cho quan chức thì không bị ảnh hưởng.
Hộ chiếu phổ thông là loại dành cho cá nhân công dân bình thường của một quốc gia sử dụng, cho nên phải đặt thuận tiện, thực dụng làm mục tiêu duy nhất. Nay quan chức đi ra ngoài thì không bị ảnh hưởng, còn dân chúng thì bị hải quan các nước gây khó dễ.
Quan chức thì không bị phiền hà, lại đẩy dân thường ra chịu trận; nhà nước cũng bất lực chả giải quyết được vấn đề quốc tế khó xử, lại cố ý bắt dân chúng hứng chịu khó khăn, thậm chí phải trả giá. Việc này cả tình lẫn lý đều không ổn chút nào.
Bài báo kết luận: “Hộ chiếu vốn là thứ giấy tờ bảo vệ công dân. Không nên và cũng không cần thiết bắt người Trung Quốc xuất ngoại bị lôi cuốn vào và phải trả giá cho những tranh chấp quốc tế khi đối diện với hải quan nước khác. Điều này, bất cứ chính phủ nào yêu quý công dân nước mình cũng hiểu.
Về cơ bản, hộ chiếu phổ thông của các quốc gia đều có in dòng chữ sau bằng nhiều thứ tiếng: “Bộ Ngoại giao bản quốc đề nghị cơ quan quân, chính các nước không nên trì hoãn làm thủ tục hay gây trở ngại và tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ cho người mang hộ chiếu này”.
Nếu cơ quan hành chính của nước mình đã không quản, không đếm xỉa, lại còn gây thêm trở ngại cho đồng bào của mình, thì câu trên đây thật hài hước.
Việc in hình bản đồ lãnh thổ tranh chấp lên hộ chiếu, kết quả chỉ gây thêm bất tiện cho công dân phổ thông, không có bất cứ điểm tốt thực sự nào, hiệu quả duy nhất chỉ là gây phiền toái cho dân, lợi bất cập hại”.
Thu Thủy (TP)