Bước leo thang mới của Trung Quốc, quốc tế và Việt Nam làm gì?

Từ lưu hành hộ chiếu lưỡi bò đến việc lặp lại hành động phá hoại đối với tàu Bình Minh 2, chính quyền Trung Quốc đang dấy lên làn sóng phản đối và gây bất bình trong công luận Việt Nam và rất nhiều nước.

Có một hiện tượng phổ biến hàng chục năm nay trong bang giao Việt-Trung, trái ngược hẳn với tập quán quốc tế và đạo lý thông thường giữa các quốc gia. Đó là trong quan hệ song phương, mỗi khi sắp hay đang có một sự kiện quan trọng giữa hai nước, hoặc ở một nước, các bên đều cố gắng tránh những sự cố có thể gây tổn thương cho nhau. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, mỗi khi sắp hay đang có chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, của một phái đoàn chính thức kiểu như đoàn của ông Lý Kiến Quốc vừa rồi, ngay lập tức Trung Quốc tận dụng thời cơ, chủ động gây hấn trong các vùng biển đảo của Việt Nam?

Xâm nhập vùng đặc quyền, xâm hại tài sản

Ngay sau khi tàu Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm hại tàu Bình Minh 2, bộ Ngoại giao Việt Nam đã họp cùng các bộ Quốc phòng và bộ Công an để xem xét và đánh giá tình hình. Ngày 3/12, bộ Ngoại giao đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội đến để phản đối về việc tàu cá Trung Quốc gây đứt cáp tàu Bình Minh 2. Các lực lượng chức năng Việt Nam ngay lập tức tăng cường các biện pháp bảo vệ các tàu hoạt động trên biển. Trả lời phỏng vấn hàng tin Bloomberg ngày 3/12 tại Hà Nội, thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh tuyên bố không thể chấp nhận các hành động của Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, tính từ bờ biển, theo quy định của công ước Liên Hợp Quốc.

Khi được hỏi về các “hộ chiếu lưỡi bò”, thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quang Vinh cũng cho biết thêm là Việt Nam chọn giải pháp tạm thời, không đóng dấu vào hộ chiếu của du khách, mà cấp visa rời để không rơi vào bẫy của Bắc Kinh là “thừa nhận yêu sách của Trung Quốc”. Tuy nhiên, ông Vinh lưu ý, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Giải pháp lâu dài là “không công nhận bản đồ chín đoạn”.

4 giờ 05 phút, rạng sáng 30/11, tàu Bình Minh 2 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị các tàu Trung Quốc phá hoại cáp thu nổ địa chấn tại gần vùng biển gần đảo Cồn Cỏ. Trên màn hình radar của tàu Bình Minh 2 có thể thấy rất rõ các chấm tròn, màu sáng, hiển thị hàng mấy chục tàu cá Trung Quốc “bủa vây” tàu Việt Nam. Theo Phó ban của PVN Phạm Việt Dũng, gần đây rất nhiều tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam đánh bắt hải sản, với số lượng rất lớn, tập trung ở khu vực từ Cồn Cỏ đến Nam Tri Tôn, có ngày lên tới hơn 100 lượt chiếc. Nhưng lần này là thủ đoạn mới, vừa đánh bắt hải sản trái phép, vừa cản trở, xâm hại tài sản của PVN ngay trong vùng biển Việt Nam. Các tàu chấp pháp Việt Nam đã yêu cầu các tàu Trung Quốc rút khỏi vùng biển nước ta, nhưng nhiều tàu Trung Quốc vẫn cố tình quay lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tiếp tục đánh bắt cá trái phép tại đấy.

“Việc tàu cá Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng biển Việt Nam đánh bắt hải sản, không những vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, mà còn cản trở hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam và làm ảnh hưởng đến hoạt động trên biển của PVN”. Phó ban Tìm kiếm thăm dò Phạm Việt Dũng đã khẳng định như vậy với phóng viên Petrotimes. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã phản đối hành động xâm hại tàu Bình Minh 2 của tàu cá Trung Quốc và kiến nghị các cơ quan chức năng yêu cầu phía Trung Quốc giáo dục công dân Trung Quốc tôn trọng vùng biển Việt Nam, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các tàu Việt Nam, trong đó có các tàu khảo sát của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng theo truyền thông Trung Quốc, ngày 27/11, tỉnh Hải Nam đã thông qua cái gọi là “Điều lệ quản lý trị an biên phòng bờ biển Hải Nam”, cấm tàu thuyền đi vào vùng biển mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của mình. Như vậy là mọi việc đã rõ, ngay sau khi tuyên bố tại Đại hội 18 ĐCS/TQ chiến lược trở thành “cường quốc đại dương”, Trung Quốc đang/sẽ lần lượt ngang nhiên thực hiện các hành động mang tính cưỡng chế trên Biển Đông. Được biết, cũng ngay tại thời điểm ban hành điều lệ nói trên, các nhà tham mưu chiến lược Trung Quốc đã tụ họp tại cái gọi là “thành phố Tam Á” để tiến hành Hội thảo về tình hình và an ninh Biển Đông, do Ủy ban An ninh Quốc gia thuộc Hội nghiên cứu Khoa học Chính sách Trung Quốc tổ chức.

Khu vực và Việt Nam làm gì?

Bị Hoa Kỳ và nhiều nước chất vấn về việc tỉnh Hải Nam sẽ trao cho lực lượng biên phòng quyền chặn giữ tàu thuyền tiến vào Biển Đông mà Trung Quốc tự nhận là thuộc chủ quyền của mình, Bắc Kinh lên tiếng thanh minh, cho rằng quyết định đó không cản trở quyền tự do hàng hải trong vùng. Thế nhưng, tổng giám đốc sở Ngoại vụ Hải Nam Ngô Sĩ Tồn thừa nhận, quyết định ấy thực ra là để tăng cường năng lực khống chế các quần đảo nằm bên trong “đường lưỡi bò”, mà ngư dân Việt Nam sẽ là đối tượng bị nhắm đến trước tiên. Tổng Ngô cho biết, các quy định này sẽ được áp dụng từ tháng 1/2013 trên toàn bộ các đảo ở Biển Đông. Tuyên bố này có thể coi là quan điểm chính thức của chính quyền trung ương. Lý do là vì Ngô Sĩ Tồn đồng thời là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải. Viện này là một trong những cơ quan tham vấn cho chính phủ Trung Quốc về chính sách Biển Đông.

Sau khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cáo buộc tàu Trung Quốc gây đứt cáp tàu Bình Minh 2 của Việt Nam, ngay trong ngày 3/12, Ấn Độ đã tuyên bố sẵn sàng triển khai tàu hải quân tới Biển Đông để bảo vệ lợi ích khai thác dầu mỏ. Tuyên bố này do tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, đô đốc D.K Joshi chính thức đưa ra cùng ngày khi tàu Bình Minh 2 bị tàu Trung Quốc xâm hại. Được biết, trước đó, Bình Minh 2 đã thực hiện thăm dò tại bể khí Nam Côn Sơn, khu vực mà Tập đoàn khai thác Dầu mỏ và Khí tự nhiên Ấn Độ (ONGC) đang có dự án tại đấy.

Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất không có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông đã tỏ ra lo ngại sâu sắc về khả năng gián đoạn việc vận chuyển và khai thác dầu khí trong khu vực. Hoa Kỳ – một đồng minh gần gũi của nhiều quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông – đã nhanh chóng lên tiếng quan ngại về khả năng Trung Quốc ngăn cấm tàu thuyền đi lại trên những vùng biển tranh chấp. Hồi đầu tuần này người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói Washington sẽ chuyển quan ngại của các nước tới Bắc Kinh. Sau bốn nước “tiền tuyến”, lần lượt, Indonesia, Singapore đều đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại trước những hành động hiếp đáp của Trung Quốc tại Biển Đông.

Những hành động ngang ngược này Bắc Kinh càng thúc đẩy các nước trong và ngoài khu vực phối hợp chính sách theo hướng tăng cường sự răn đe chống lại bành trướng Trung Quốc. Tình hình báo động một giai đoạn mới trong nỗ lực độc bá Biển Đông của Bắc Kinh, tiến tới phá vỡ nguyên trạng vùng biển Đông Á. Mỹ và Ấn Độ đang cùng với Nhật Bản, Úc và các nước khác trong khu vực nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh hàng hải và tăng cường sự hiện diện hải quân của họ ở khu vực. Các nước tiến hành tập trận, thăm viếng và tăng cường hợp tác với các quốc gia tiếp giáp Biển Đông. Quan điểm trong Tuyên bố Nga-Việt cũng rất gần với lập trường 6 điểm của ASEAN về Biển Đông.

Tại Hội thảo quốc tế về biển Đông và về Việt Nam học vừa qua, nhiều  nhà nghiên cứu cũng đã chỉ rõ, các hành vi của Trung Quốc sẽ thiên hình vạn trạng. Mỗi hành vi có thể ẩn chứa một nước cờ hiểm hóc, nhưng tất cả đều nằm trong một chiến lược chung là Bắc Kinh muốn độc chiếm biển Đông. Nhằm dọn đường cho các hành vi thể hiện “sức mạnh cơ bắp” trên biển Đông, Trung Quốc đã/đang tiến hành song song ba hình thái chiến tranh khác nhau để chèn ép các quốc gia khác trong khu vực: chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông và chiến tranh kinh tế. Nhiều nhà khoa học đã có những hiến kế khá độc đáo giúp Việt Nam đối phó với các âm mưu thâm độc này.

Trước tình hình mà chính Tổng thư ký ASEAN cũng phải thừa nhận là “rất nghiêm trọng” này, các nước ASEAN cần sớm thống nhất hành động. Thời điểm thuận lợi cho Việt Nam/ASEAN là phải nhân hội nghị bốn nước đòi chủ quyền ở Biển Đông do Manila triệu tập vào ngày 12/12 bàn về chính sách đối phó với Trung Quốc, các nước trong khu vực ra nên một quyết định chung, trước mắt đòi hủy bỏ các tấm hộ chiếu phi pháp, kêu gọi các nước ASEAN đoàn kết, kiên định trong cuộc đấu tranh cho bộ Quy tắc COC trên Biển Đông. Hủy bỏ được các “hộ chiếu lưỡi bò” còn mang ý nghĩa biểu tượng làm thất bại một bước chính sách độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, ít ra là trên mặt ngôn từ./.

HOÀNG DŨNG NHÂN (TVN)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top