(TBKTSG) – Chỉ còn hơn hai tháng nữa là hết thời hạn để kiều bào (có nhu cầu) đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam (1-7-2014). Sát giờ chót, các cơ quan của Việt Nam mới giật mình vì số lượng đăng ký quá ít khiến “hàng triệu kiều bào có nguy cơ mất quốc tịch Việt Nam”. Nếu có thêm thời hạn liệu có giải quyết được vấn đề?
Đối tượng nào phải đăng ký?
“Đăng ký giữ quốc tịch” là một chế định mới trong Luật Quốc tịch 2008 (có hiệu lực từ 1-7-2009), được các nhà làm luật đặt ra với mong muốn “làm rõ tình trạng quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về quốc tịch và bảo hộ công dân”.
Theo Nghị định 78/2009/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam thì không phải mọi người Việt Nam định cư ở nước ngoài đều phải đăng ký giữ quốc tịch.
Chỉ có những người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam tính đến trước ngày 1-7-2009 mà không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị, nếu có nguyện vọng giữ quốc tịch Việt Nam, thì trong năm năm kể từ thời điểm trên, họ phải đăng ký để giữ quốc tịch Việt Nam. Nếu không đăng ký thì sẽ mất quốc tịch sau ngày 1-7-2014.
Như vậy, những người Việt Nam ra nước ngoài định cư và nhập quốc tịch nước ngoài sau ngày 1-7-2009 không thuộc diện phải đăng ký. Những người định cư ở nước ngoài trước thời điểm đó mà có hộ chiếu còn giá trị và chưa mất quốc tịch thì cũng không cần phải đăng ký. (Thay vào đó họ có thể đi gia hạn hộ chiếu).
Tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 8-4, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp), lý giải rằng việc đăng ký giúp Nhà nước nắm bắt được tình trạng thực tế về quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Ông nói: lịch sử nước ta trải qua hai cuộc chiến tranh, việc di cư tự do trong những năm gần đây dẫn đến tình trạng không rõ ràng về quốc tịch. Đến nay, chúng ta chưa có số liệu chính xác là trong số những người Việt Nam định cư ở nước ngoài, bao nhiêu người vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, bao nhiêu đã mất quốc tịch, bao nhiêu đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng chưa mất quốc tịch Việt Nam…
Vì sao không mặn mà?
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài. Không rõ bao nhiêu người thuộc diện phải đăng ký, nhưng sau năm năm kể từ khi Luật Quốc tịch có hiệu lực, đến nay theo ông Sơn mới chỉ có trên 6.000 người đăng ký, một tỷ lệ được ông cho là “quá ít”.
Theo lý giải của ông Nguyễn Hữu Tráng, Cục trưởng Cục Lãnh sự, trên tạp chí Quê Hương, sở dĩ số lượng người đăng ký giữ quốc tịch còn thấp là do họ thấy việc đăng ký này chỉ mang tính hình thức mà không có lợi ích thiết thực.
“Giấy xác nhận đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam chỉ có giá trị chứng minh người này đã thực hiện thủ tục đăng ký chứ không khẳng định về quốc tịch Việt Nam của họ. Giấy xác nhận không có giá trị pháp lý làm cơ sở cho việc cấp phát hộ chiếu, giấy thông hành hoặc các giấy tờ khác”, ông nói rõ.
Một lý do khác, theo ông Tráng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài lo ngại việc đăng ký sẽ ảnh hưởng tới quy chế cư trú của họ ở nước ngoài. Hiện nhiều người Việt Nam đã có quốc tịch nước ngoài, và luật của một số nước quy định khá chặt chẽ về việc không chấp nhận tình trạng “song tịch”.
Như vậy, có thể hiểu rằng, có những Việt kiều đã có quốc tịch nước ngoài, mặc dù vẫn muốn giữ quốc tịch Việt Nam, nhưng vì phải đăng ký phiền phức, sợ ảnh hưởng đến pháp luật về quốc tịch nước sở tại, nên họ sẵn sàng từ bỏ.
Có những người khác (thuộc các đối tượng được nhắc ở phần đầu bài) sẽ mặc nhiên bị mất quốc tịch sau ngày 1-7-2014 nếu họ không đi đăng ký. Nhưng kể cả nếu họ đi đăng ký thì tờ giấy chứng nhận đó cũng không đương nhiên khẳng định quốc tịch của họ, nếu không tiến hành các thủ tục tiếp theo.
Những quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam dường như không những giúp “làm rõ tình trạng quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về quốc tịch và bảo hộ công dân”, mà thực tế có nguy cơ bất ngờ làm “biến mất” cả triệu kiều bào. Nếu như vậy, quy định này đang đi ngược lại chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Điều đáng ngạc nhiên là, theo lời ông Khanh, cả Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao, từ năm 2009, đều lường trước được việc số người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ không nhiều. Vậy mà Bộ Tư pháp vẫn tham mưu để đề ra quy định trong luật về thời hạn ngày 1-7-2014.
Để rồi khi chỉ còn không lâu nữa là hết hạn, khi Quốc hội đã lên hết kế hoạch về việc xem xét sửa đổi các luật trong năm 2014 mà không có Luật Quốc tịch, thì các cơ quan liên quan lại vội vã tìm giải pháp tình thế. Giải pháp được cho là tối ưu hiện nay, là kiến nghị Quốc hội gia hạn thêm vài năm nữa. Thậm chí, ông Nguyễn Thanh Sơn, còn cho biết sẽ kiến nghị không nên đặt thời hạn nhất định, mà nên để mở, ai muốn đăng ký lúc nào thì đăng ký.
Nhưng liệu kéo dài thêm thời hạn có giải quyết được vấn đề? Năm năm qua chỉ có 6.000 kiều bào đăng ký. Họ không biết hay quy định trên không khả thi?