Nghị định số 65/2012/NĐ-CP của Chính phủ : Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

Tải file word .doc tại đây

> Làm hộ chiếu > dịch tiếng Nhật > Dịch thuật công chứng

CHÍNH PHỦ

________

Số: 65/2012/NĐ-CP

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

  ______________________________________________

Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2012

 

NGHỊ ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP

 ngày 17 tháng 8 năm 2007 về xuất cảnh, nhập cảnh

của công dân Việt Nam

_______

 

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Ngoại giao;

Căn cứ Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (dưới đây viết gọn là Nghị định số 136/2007/NĐ-CP),

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP

1. Khoản 2 Điều 4 về thời hạn của các loại giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh được sửa đổi, bổ sung như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 2 như sau:

“Hộ chiếu quốc gia:

– Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ còn giá trị dưới 6 tháng thì được gia hạn một lần, tối đa không quá 3 năm; khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.

Hộ chiếu phổ thông có giá trị không quá 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn. Hộ chiếu phổ thông còn hạn thì được cấp lại, khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.

– Thời hạn của hộ chiếu quốc gia cấp cho trẻ em dưới 14 tuổi hoặc cấp cho công dân kèm theo trẻ em dưới 9 tuổi thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Nghị định này.”

b) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 2 như sau:

“b. Các giấy tờ khác:

– Hộ chiếu thuyền viên có giá trị không quá 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn. Hộ chiếu thuyền viên còn hạn thì được cấp lại, khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.”

2. Điều 5 về các loại giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 5.

1. Giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh được cấp riêng cho từng công dân.

2. Hộ chiếu phổ thông cấp cho trẻ em dưới 14 tuổi có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn.

3. Trẻ em dưới 9 tuổi được cấp chung vào hộ chiếu phổ thông của cha hoặc mẹ nếu có đề nghị của cha hoặc mẹ trẻ em đó. Trong trường hợp này, hộ chiếu có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn.

4. Hộ chiếu ngoại giao cấp cho con dưới 18 tuổi của những người thuộc diện quy định tại Khoản 9 Điều 6 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP và hộ chiếu công vụ cấp cho con dưới 18 tuổi của nhân viên cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, phóng viên thông tấn và báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài quy định tại Khoản 4 Điều 1 của Nghị định này có thời hạn từ 1 đến 5 năm tính từ ngày cấp cho đến khi người con đó đủ 18 tuổi và không được gia hạn.

5. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ không cấp cho cán bộ, công chức, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân khi được cử đi học tập ở nước ngoài với thời hạn trên 6 tháng.”

3. Điều 6 về đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao được sửa đổi, bổ sung như sau:

a) Bổ sung Khoản 1 như sau:

“1. Thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam:

– Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị.”

b) Sửa đổi, bổ sung Khoản 4 như sau:

“4. Thuộc Chính phủ:

– Tổng cục trưởng và cấp tương đương (có hệ số chức vụ từ 1,25 trở lên); sỹ quan có cấp hàm từ Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Hải quân trở lên đang phục vụ trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.”

4. Điều 7 về đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 7. Hộ chiếu công vụ cấp cho công dân Việt Nam thuộc diện sau đây, được cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 9 Điều 1 của Nghị định này cử hoặc cho phép ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ thuộc chức năng của cơ quan đó:

1. Cán bộ, công chức trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật, đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị dưới đây:

a) Thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam:

– Ban Bí thư Trung ương Đảng;

– Các Ban trực thuộc Trung ương Đảng;

– Văn phòng Trung ương Đảng;

– Tỉnh ủy, Thành ủy thuộc Trung ương; Huyện ủy, Quận ủy, Thị ủy, Thành ủy thuộc tỉnh.

b) Thuộc Quốc hội:

– Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

– Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;

– Các Ủy ban của Quốc hội;

– Các Ban, Viện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

– Văn phòng Quốc hội;

– Kiểm toán Nhà nước.

c) Văn phòng Chủ tịch nước.

d) Thuộc Chính phủ:

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập.

đ) Tòa án nhân dân các cấp (cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện),

e) Viện Kiểm sát nhân dân các cấp (cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện).

g) Thuộc cơ quan nhà nước ở địa phương:

– Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội;

– Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

h) Công chức trong các cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

i) Công chức trong các cơ quan của tổ chức chính trị – xã hội cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện:

– Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

– Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

– Hội Nông dân Việt Nam;

– Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

– Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;

– Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

k) Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập:

– Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người giữ chức vụ quản lý cấp phòng (ban, khoa) trong các tổ chức được cơ quan có thẩm quyền của Đảng, cơ quan Nhà nước và tổ chức chính trị – xã hội thành lập và quản lý theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, lao động – thương binh và xã hội, thông tin truyền thông và các lĩnh vực sự nghiệp khác được pháp luật quy định;

– Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;

– Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động thuộc các Ban và cơ quan tương đương của Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan Trung ương các tổ chức chính trị – xã hội, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

– Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động thuộc Tổng cục, Cục và tương đương trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; tỉnh ủy, thành ủy; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh; huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh ủy; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;

– Người giữ các vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

2. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

3. Nhân viên cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (được quy định theo Luật về cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài); phóng viên thông tấn và báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài.

4. Vợ hoặc chồng, con dưới 18 tuổi của những người nêu tại Khoản 3 Điều này đi theo hoặc đi thăm những người này trong nhiệm kỳ công tác.

5. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào yêu cầu và tính chất của chuyến đi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện việc cấp hộ chiếu công vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc xét quyết định cấp hộ chiếu công vụ theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nêu tại Khoản 9 Điều 1 của Nghị định này cho những người không thuộc diện quy định từ Khoản 1 đến Khoản 4 Điều này.”

5. Điều 14 về hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 14

1. Công dân Việt Nam đang ở trong nước thuộc diện đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ quy định tại Điều 6 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP và các Khoản 3 và 4 Điều 1 của Nghị định này, khi đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ nộp 01 bộ hồ sơ tại Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh (Bộ Ngoại giao) hoặc tại cơ quan Ngoại vụ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của Bộ Ngoại giao. Hồ sơ gồm:

– Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ (theo mẫu quy định).

– Văn bản (theo mẫu quy định) của cơ quan có thẩm quyền nêu tại Khoản 9 Điều 1 của Nghị định này về việc cử hoặc cho phép ra nước ngoài, trong đó ghi rõ là cán bộ công chức, sỹ quan trong biên chế Nhà nước, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

– Trường hợp người đề nghị cấp hộ chiếu thuộc diện đi theo hoặc đi thăm nêu tại Khoản 11 Điều 6 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP và Khoản 4 Điều 1 của Nghị định này, ngoài tờ khai và giấy tờ chứng minh thuộc diện đi theo hoặc đi thăm cần nộp thêm quyết định hoặc ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nơi người đó đang làm việc (nếu có) và quyết định hoặc ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao.

Nếu người đề nghị là con dưới 18 tuổi quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Nghị định này cần nộp thêm bản sao giấy khai sinh và bản sao giấy chứng minh nhân dân (đối với trường hợp đã đủ 14 tuổi trở lên). Các giấy tờ trên là bản chụp thì phải xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.

2. Khi nộp hồ sơ, người đề nghị cấp hộ chiếu phải nộp lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

3. Thời hạn xem xét cấp hộ chiếu: Cơ quan cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ trả kết quả cho người đề nghị trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp không cấp hộ chiếu thì trả lời cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.”

6. Điều 15 về cách thức nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông được sửa đổi, bổ sung như sau:

a) Bổ sung Điểm c Khoản 1 về nơi nộp hồ sơ qua ủy thác như sau:

“c) Ủy thác cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an. Việc ủy thác thực hiện theo quy định của Bộ Công an.”

b) Sửa đổi Điểm a Khoản 3 về hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước như sau:

“3. Hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu (01 bộ):

a) Trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ, nêu tại các Điểm a và c Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP, hồ sơ gồm:

– Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông (theo mẫu quy định).

Đối với trẻ em dưới 14 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em đó khai và ký vào tờ khai; nếu cha hoặc mẹ có nhu cầu cho con dưới 9 tuổi đi cùng hộ chiếu thì khai chung vào tờ khai của mình.

– Bản sao giấy khai sinh của trẻ em dưới 14 tuổi.

Khi nộp hồ sơ phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân còn giá trị của người đề nghị cấp hộ chiếu để kiểm tra, đối chiếu.”

7. Khoản 1 Điều 16 về hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông cho trẻ em dưới 14 tuổi đang ở nước ngoài được sửa đổi như sau:

“…

Trường hợp cha hoặc mẹ có nhu cầu cho con dưới 9 tuổi đi cùng hộ chiếu thì khai chung vào tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông của mình.”

8. Khoản 1 và Khoản 2 Điều 29 về trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải được sửa đổi như sau:

“1. Hướng dẫn thủ tục, trình tự cấp, sửa đổi hộ chiếu thuyền viên.

2. Cấp, sửa đổi hộ chiếu thuyền viên; thông báo cho Bộ Công an danh sách nhân sự người được cấp, sửa đổi hộ chiếu thuyền viên ngay sau khi cấp và danh sách nhân sự những người trình báo mất hộ chiếu thuyền viên.

…”

9. Điều 32 về cơ quan có thẩm quyền cử hoặc cho phép cán bộ, công chức ra nước ngoài được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 32.

1. Cơ quan có thẩm quyền cử những người thuộc diện được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ nêu tại Điều 6 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP và Khoản 3, Khoản 4 Điều 1 của Nghị định này gồm:

a) Thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam:

– Bộ Chính trị Trung ương Đảng;

– Ban Bí thư Trung ương Đảng;

– Các Ban trực thuộc Trung ương Đảng;

– Văn phòng Trung ương Đảng;

– Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương.

b) Thuộc Quốc hội:

– Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

– Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;

– Các Ủy ban của Quốc hội;

– Các Ban, Viện của Ủy ban Thường vụ của Quốc hội;

– Văn phòng Quốc hội;

– Kiểm toán Nhà nước.

c) Văn phòng Chủ tịch nước.

d) Thuộc Chính phủ:

– Thủ tướng Chính phủ;

– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập.

đ) Tòa án nhân dân tối cao.

e) Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

g) Thuộc cơ quan nhà nước ở địa phương:

– Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

– Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

h) Thuộc các tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương:

– Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

– Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

– Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;

– Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

– Hội Nông dân Việt Nam;

– Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

2. Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức sự nghiệp công lập do Chính phủ thành lập, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể ủy quyền cho đơn vị trực thuộc trong việc cử hoặc cho phép cán bộ, công chức ra nước ngoài.

3. Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền nêu tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm ban hành quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức do mình quản lý.

4. Đối với nhân sự thuộc diện quản lý của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì thực hiện theo các quy định liên quan.”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 11 năm 2012.

 

  Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
– HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách Xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an);
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP,
Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: Văn thư, QHQT (5b). N 300

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

 

 (Đã ký)

Nguyễn Tấn Dũng

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top