Hơn 1.500 đại biểu đến từ 36 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ có mặt tại Hà Nội để tham dự hội thảo Việt Nam học lớn nhất, diễn ra cuối tháng 11.
Ngày 22/10, GS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam cho biết, hội thảo Việt Nam học lần thứ 4 (26-28/11) có quy mô lớn hơn hẳn so với 3 lần trước. Hiện, có hơn 1.500 đại biểu đăng ký tham dự, trong đó hơn 1.200 đại biểu trong nước và gần 300 đại biểu nước ngoài đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng (đứng) cho hay, số lượng đông đảo đại biểu đăng ký tham dự hội thảo đã khiến ban tổ chức bất ngờ. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Theo GS Thắng, đây là cơ hội tốt để xây dựng mạng lưới những nhà nghiên cứu nước ngoài về Việt Nam để tiếp cận được những kiến thức, kinh nghiệm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế về Việt Nam. Nhân dịp này, các nhà khoa học và hoạch định chính sách sẽ trao đổi, hướng tới lựa chọn các chuyên gia để thành lập các trung tâm nghiên cứu về Việt Nam ở nước ngoài.
“Hội thảo có 15 chủ đề với độ phủ rộng và nhấn mạnh tới những vấn đề cần giải quyết như an ninh chính trị khu vực. Ví dụ an ninh và xung đột trên biển Đông, quan điểm của các nhà khoa học như thế nào”, GS Thắng nói và cho biết, lần đầu tiên sẽ có nhà khoa học Trung Quốc nổi tiếng là học giả Cốc Nguyên Dương tham dự hội thảo.
Theo ban tổ chức, với chủ đề Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững, hội thảo Việt Nam học lần thứ tư sẽ tập trung thảo luận về tất cả lĩnh vực trong hội nhập và phát triển bền vững như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quan hệ quốc tế và an ninh khu vực… Thông qua đó, các học giả sẽ tham gia đề xuất các ý kiến về quan điểm và chính sách phát triển và hội nhập của Việt Nam theo tinh thần “Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững”.
Nguyễn Hưng
Đọc thêm mục Làm hộ chiếu.