Du khách nước ngoài tham quan phố cổ Hà Nội. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)
> Dịch vụ visa > Gia hạn visa > Làm hộ chiếu
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét, điều chỉnh chính sách thị thực đối với các thị trường khách tiềm năng, khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú lâu dài ở Việt Nam.
Hiện toàn ngành du lịch cũng như hàng không đang chờ đợi quyết định chính sách mới về thủ tục thị thực nhập cảnh vào Việt Nam.
Nếu được điều chỉnh kịp thời, chính sách thị thực thông thoáng hơn sẽ là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Kinh nghiệm của quốc tế
Thông tin từ Tổng cục Du lịch cho thấy trong suốt hơn hai thập kỷ qua, lượng khách quốc tế đến du lịch Việt Nam tăng mạnh với tốc độ trung bình trên 12% mỗi năm (trừ năm 2003 do dịch SARS và năm 2009 do suy thoái kinh tế toàn cầu).
Năm 1990, du lịch Việt Nam mới đón được 250.000 lượt khách quốc tế thì đến năm 2013 con số này đã lên đến 7,57 triệu lượt, tăng hơn 30 lần trong 23 năm và tăng gấp đôi sau bốn năm phục hồi khủng hoảng 2009.
Từ đầu năm đến hết tháng 9/2014, du lịch Việt Nam đã đón khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế.
Chi phí mỗi khách tại Việt Nam là 1.143 USD. Dự kiến du lịch đóng góp 11 tỷ USD, tương đương 10% GDP.
Thị phần khách quốc tế đến Việt Nam trong khu vực và trên thế giới không ngừng tăng. Vị trí của du lịch Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trên bản đồ du lịch thế giới.
Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện, thu hút mạnh các dòng khách du lịch. Đóng góp của du lịch vào sự phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam giai đoạn vừa qua là đáng khích lệ…
Tuy vậy, trong Báo cáo chuyên đề “Du lịch Việt Nam, thực trạng và giải pháp phát triển” do Viện nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) đã chỉ rõ du lịch Việt Nam còn thiếu sản phẩm đặc sắc, kém sức cạnh tranh trong khu vực, quốc tế nên khó thu hút được khách ở thị trường có khả năng chi trả cao.
Khoảng cách về lượng khách quốc tế giữa Việt Nam với bốn nước dẫn đầu khu vực là Maylaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia luôn trong khoảng từ 2-5 lần; khoảng cách về thu nhập luôn ở khoảng từ 1,5 đến 4 lần.
Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn thấp, năm 2012-2013, Việt Nam xếp thứ 80/140 nước, trong khi đó Singapore xếp thứ 10, Malaysia xếp thứ 34, Thái Lan xếp thứ 43…
Một trong những nguyên nhân khiến khả năng cạnh tranh của Việt Nam bị hạn chế là thủ tục thị thực nhập cảnh vào Việt Nam khó khăn hơn các nước khác, nhất là đối với khách đi nội vùng, ngắn ngày.
Đối thủ cạnh tranh của Việt Nam là các nước trong khu vực ASEAN đều có chính sách thị thực nhập cảnh thông thoáng, thủ tục đơn giản, ứng dụng công nghệ cấp thị thực qua mạng Internet, cấp thị thực tại cửa khẩu, mở rộng đối tượng miễn thị thực.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, Singapore đã miễn thị thực cho công dân của trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ; Malaysia miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của 155 quốc gia và vùng lãnh thổ; Thái Lan áp dụng miễn thị thực cho công dân của 55 nước, cấp thị thực tại cửa khẩu cho công dân 28 nước tại 24 cửa khẩu; Thái Lan và Campuchia đã hợp tác thực hiện chính sách thị thực chung.
Campuchia, Indonesia, Myanmar và Philippines đã ký ý định thư về thiết lập hệ thống thị thực chung linh hoạt (6/2013); Trung Quốc đã miễn thị thực trong vòng 72 giờ cho công dân 51 nước quá cảnh tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Tứ Xuyên, Quảng Châu, Trùng Khánh, Đại Liên và Thẩm Dương…
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) cũng khuyến cáo khách du lịch coi thị thực chủ yếu như một thủ tục áp đặt chi phí, bao gồm chi phí trực tiếp là lệ phí thị thực, chi phí gián tiếp như khoảng cách, thời gian chờ đợi và mức độ phức tạp của quy trình cấp thị thực.
Nếu những chi phí này vượt quá ngưỡng thì khách du lịch tiềm năng không muốn thực hiện chuyến đi đến điểm đã chọn hoặc sẽ chọn một điểm đến thay thế.
Hai tổ chức nêu trên cũng khuyến nghị các nước tạo điều kiện thuận lợi về thị thực và chuyển sang hệ thống cấp thị thực tại cửa khẩu.
Nếu chính sách thông thoáng sẽ mang cho ASEAN thêm từ 6-10 triệu khách du lịch quốc tế đến năm 2016; thu nhập thêm từ 7-12 tỷ USD từ các khoản thu bổ sung; tạo ra từ 333.000-654.000 việc làm mới.
Riêng Việt Nam có thể gia tăng lượng khách du lịch quốc tế từ 8-18% nếu chuyển sang thực hiện chính sách cấp thị thực tại cửa khẩu.
Cơ hội cho du lịch Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam đang miễn thị thực đơn phương cho công dân bảy nước (trong thời gian 15 ngày) là Nhật Bản, Hàn Quốc (năm 2004), bốn nước Bắc Âu gồm Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển (năm 2005) và Nga (năm 2009).
Bên cạnh đó, Việt Nam đã miễn thị thực trên cơ sở song phương cho công dân chín nước ASEAN (tối đa 30 ngày).
Riêng Phú Quốc (Kiên Giang) đang áp dụng chính sách miễn thị thực 30 ngày cho toàn bộ khách quốc tế.
Chính sách miễn thị thực cho công dân bảy nước của Việt Nam đã nhận được phản ứng tích cực từ du khách và chính phủ các nước được miễn thị thực, góp phần khuyến khích khách từ các thị trường này tới Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là những nước có nguồn khách lớn, tiềm năng của du lịch Việt Nam, những đối tác thương mại, đầu tư lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, các nước ASEAN.
Lượng khách từ những nước này vẫn tiếp tục có xu hướng tăng mạnh và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng lượng khách tới thăm, cũng như nguồn thu từ chi tiêu của khách. Ngành du lịch đang tập trung các nguồn lực để tăng cường thu hút khách từ các thị trường khác có nguồn khách lớn, nhu cầu lưu trú dài hơn, chi tiêu cao hơn.
Tháng 7/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, kéo dài thời gian miễn thị thực từ 15 ngày như hiện nay lên 30 ngày cho khách du lịch từ các nước đã được đơn phương miễn thị thực, trước mắt là đối với khách từ thị trường Nga.
Đây là việc làm cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để khách Nga đi du lịch Việt Nam nhiều hơn, lưu trú dài hơn, chi tiêu nhiều hơn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch.
Thông tin từ phía Tổng cục Du lịch cho thấy khách du lịch Nga là một trong những nhóm khách chi tiêu cao nhất thế giới. Nga thường chọn đến những khu vực có thời tiết ổn định, nhiều ánh nắng Mặt Trời quanh năm ở Việt Nam, tập trung nhiều như Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Quốc (Kiên Giang). Họ thường nghỉ dưỡng dài ngày và ở lại cho đến khi hết hạn visa.
Chi tiêu trung bình của một lượt khách Nga khi đến du lịch Việt Nam là 2.500 USD, cao hơn mức bình quân là 1.143 USD.
Giai đoạn 2009-2013, khách du lịch Nga đến Việt Nam tăng 6,8 lần, từ hơn 49.000 lượt năm 2009 (thời điểm miễn thị thực) lên hơn 298.000 lượt năm 2013, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 58,53%/năm.
Trong những năm tới, xu hướng này sẽ được tiếp tục duy trì với tốc độ tăng trưởng cao và dự kiến sẽ đạt 1 triệu lượt khách vào năm 2017.
Đây là cơ hội rất tốt cho du lịch Việt Nam trong thời điểm chuyển hướng từ phát triển du lịch theo chiều sâu, thu hút đông đảo lượng khách đến bằng đường hàng không, khả năng chi tiêu cao.
Trong tháng 8/2014, hai đơn vị là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giao thông Vận tải cùng kiến nghị Chính phủ miễn thị thực cho khách du lịch đến từ các nước Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Italy, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Canada.
Trong số chín quốc gia được đề xuất miễn thị thực lần này có tám nước nằm trong số các thị trường nguồn quan trọng hàng đầu của du lịch Việt Nam trong giai đoạn 2009-2013.
Riêng trong năm 2013, khách Australia đến Việt Nam chiếm số lượng đông nhất; sau đó đến khách Pháp và đứng thứ 3 là khách đến từ Anh.
Cả hai Bộ trên đều cho rằng việc miễn thị thực cho chín thị trường nêu trên là do khách du lịch Tây Âu thường có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày; Australia và New Zealand đều là những thị trường tiềm năng mang lại nguồn thu cho các oanh nghiệp du lịch trong mùa thấp điểm.
Còn Canada nằm trong nhóm 15 thị trường khách du lịch quốc tế hàng đầu đến Việt Nam. Ấn Độ là một trong số nước đông dân cư nhất thế giới cũng sẽ trở thành một thị trường nguồn quan trọng.
Du lịch đang dần khẳng định vị thế của “ngành công nghiệp không khói” ở Việt Nam bằng những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện bộ mặt nhiều địa phương trong cả nước.
Những bất cập, rào cản ảnh hưởng đến phát triển du lịch cũng được các cấp các ngành, các địa phương quan tâm, từng bước tháo gỡ, giải quyết để đảm bảo phát triển du lịch bền vững, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn trong mắt du khách quốc tế.
Trong số các giải pháp then chốt cần tập trung thực hiện có nhấn mạnh đến việc thực hiện chính sách tạo thuận tiện về thị thực nhập cảnh, áp dụng các hình thức thị thực linh hoạt như thị thực tại cửa khẩu, thị thực chung, thị thực điện tử…
Các giải pháp, trong đó có giải pháp về chính sách thị thực, được thực hiện đồng bộ sẽ góp phần tháo gỡ các rào cản hạn chế khả năng cạnh tranh quốc tế cũng như nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, điểm đến du lịch Việt Nam./.