Australia: “Đổi thị thực” lấy… vốn đầu tư

(HNM) – Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, mỗi quốc gia đều có những chính sách riêng để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cấp thị thực (visa) cho những nhà đầu tư nước ngoài giàu có là một trong những giải pháp đang được Chính phủ của Thủ tướng Tony Abbott áp dụng.

Theo quy định mới vừa được Chính phủ Australia ban bố, nước này sẽ áp dụng loại thị thực “dành cho nhà đầu tư đặc biệt”, cho phép những người nhập cư được thường trú sau một năm nếu họ đầu tư 15 triệu AUD (tương tương 13 triệu USD) vào nước này. Loại thị thực này sẽ được cấp từ tháng 7-2015 tới – một chính sách mới dựa trên nền tảng chương trình đang được áp dụng mang tên “Nhà đầu tư quan trọng”. Theo đó, những người nước ngoài đầu tư 5 triệu AUD (4,4 triệu USD) vào Australia sẽ được cấp loại thị thực có thời hạn tối thiểu là 4 năm.

Australia: “Đổi thị thực” lấy… vốn đầu tư

Lý giải về mục đích của những cải cách trong chương trình cấp thị thực này, Thủ tướng Tony Abbott cho biết, những thay đổi trên sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Australia theo chiều hướng tốt hơn, trong khi vẫn duy trì các biện pháp bảo đảm chương trình nhập cư không bị lạm dụng. Mục đích quan trọng hơn mà chương trình nhắm tới là khuyến khích những cá nhân có tài sản lớn tới Australia sinh sống, đầu tư và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Vì thế, để được cấp loại thị thực ưu tiên này, các cá nhân nước ngoài phải trải qua cuộc đánh giá về những lĩnh vực họ đầu tư để xem có nằm trong những ưu tiên của Chính phủ hay không.

Nếu tất cả hồ sơ tham gia chương trình “đổi thị thực lấy vốn đầu tư” được chấp nhận thì Australia sẽ thu hút được số tiền đầu tư trị giá ít nhất là 850 triệu AUD (khoảng 877 triệu USD). Tuy nhiên, không phải tất cả hồ sơ cấp thị thực đều thành công. Số liệu công bố mới nhất của Cơ quan di trú Australia, có 436 thị thực cho “Nhà đầu tư quan trọng” đã được cấp từ khi thực hiện đến cuối tháng 9 vừa qua. Tổng cộng có 2,18 tỷ AUD (1,9 tỷ USD) đã được đầu tư vào Australia thông qua chương trình này, trong đó 88% người được cấp thị thực đến từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, Chính phủ Australia cũng thông báo việc xem xét lại chương trình cấp thị thực 457 cho những lao động có tay nghề, vốn bị Chính phủ nước này siết chặt khi cho rằng các chủ lao động đã lạm dụng và gây bất lợi cho người lao động bản địa. Theo đó, Australia sẽ linh động hơn trong việc kiểm tra trình độ tiếng Anh và các kỹ năng khác theo yêu cầu cũng như đẩy nhanh quá trình duyệt đơn xin thị thực và bảo lãnh.

Nối tiếp câu chuyện về người nước ngoài rót 500.000 euro vào bất động sản để được cấp quyền cư trú tại Bồ Đào Nha cũng như nhiều quốc gia khác trong Liên minh Châu Âu (EU), Australia đã áp dụng chính sách này. Cùng với Australia, New Zealand cũng cấp thị thực cho những người sẵn sàng đầu tư ít nhất 1,5 triệu NZD (1,3 triệu USD) vào nước này. Trong khi Mỹ, điểm đến lý tưởng đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, cũng cấp thẻ xanh cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư ít nhất 500.000 USD vào một doanh nghiệp Mỹ và tạo việc làm cho một số lao động nhất định.

Những năm gần đây, Australia đã trở thành một trong những điểm đầu tư thu hút nhiều nguồn vốn từ nước ngoài. Tuy nhiên, Chính phủ Liên đảng do Thủ tướng T.Abbott dẫn dắt nhận thấy cần có sự thay đổi theo hướng tập trung vào các lĩnh vực nhất định của nền kinh tế như: Kinh doanh nông nghiệp, năng lượng, công nghệ khai khoáng, công nghệ y tế và sản xuất hiện đại… Vì thế, các quy định mới về chương trình xét duyệt và cấp thị thực cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tập trung chủ yếu vào triển khai các dự án đầu tư ưu tiên với nền kinh tế Australia.

Đình Hiệp
Nguồn: Công Ty Dịch Thuật Phú Ngọc Việt Sưu tầm (Vietnam translation company)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top