Thẩm phán Ba Lan đại diện cho Trung Quốc trong vụ kiện “đường lưỡi bò”

Một thẩm phán Ba Lan đã được chỉ định đại diện cho Trung Quốc trong vụ kiện “đường lưỡi bò” do Philippines khởi xướng, một quan chức cấp cao trong chính phủ Philippines tiết lộ với trang Rappler của nước này vào ngày hôm nay 24/3.

Theo nguồn tin trên, thẩm phán Stanislaw Pawlak đã được chánh án Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS), thẩm phán người Nhật Bản Shunji Yanai, chỉ định vào tuần trước, sau khi Trung Quốc không tự cử đại diện trong vòng 60 ngày theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Theo UNCLOS, các bên trong một vụ khiếu nại có 60 ngày kể từ lúc đơn kiện được đệ trình lên Liên hợp quốc, để chọn người đại diện cho mình trong ủy ban trọng tài. Bên nguyên đơn là Philippines đã chính thức khởi động thủ tục hôm 22/1 vừa qua, và đã chọn thẩm phán người Đức Rudy Wolfrum để đại diện cho mình. Phía Trung Quốc đã chính thức bác bỏ vụ kiện vào ngày 19/2 vừa qua, do đó đã không tìm người đại diện cho họ.

Cả ông Pawlak và Wolfrum đều là những thẩm phán cấp cao của ITLOS, đóng ở Hamburg, Đức, từ năm 1994.

Vấn đề là theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, thủ tục trọng tài vẫn được tiến hành bất chấp phản đối của bên bị đơn, do đó Tòa án Liên hợp quốc về Luật Biển đã tiến hành chỉ định thẩm phán đại diện cho bên Trung Quốc. Trong vòng 30 ngày tới đây, chánh án Yanai sẽ phải cử thêm 3 thành viên còn lại trong ủy ban trọng tài, và kể từ lúc đó thủ tục tài phán sẽ có thể bắt đầu.

Trong suốt 2 năm qua, Manila liên tục phàn nàn về sự hiếu chiến ngày càng gia tăng của Bắc Kinh để củng cố cho tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông, đặc biệt là trong các vùng được cho là giàu dầu lửa và khí đốt. Chính vì vậy mà trong suốt một năm qua Trung Quốc “hục hặc” với Philippines quanh bãi đá ngầm Scarborough, một ngư trường dồi dào và nằm gần bờ biển Philippines hơn bờ biển Trung Quốc.

Sinh năm 1933, thẩm phán Ba Lan Stanislaw Pawlak về công tác tại ITLOS từ năm 2005. Ông là tác giả nhiều quyển sách và bài viết về luật quốc tế và về bang giao quốc tế, trong đó có những công trình về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với Nhật Bản và Trung Quốc.

(BDT)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top