Tạo thuận lợi cho kiều bào: Nên bỏ đăng ký giữ Quốc tịch (18/06/2014)

Thảo luận tại hội trường, chiều 17-6, nhiều ĐBQH nêu kiến nghị về một số điều về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, trong đó có việc nên bãi bỏ quy định đăng ký giữ Quốc tịch Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho kiều bào ta ở nước ngoài ổn định cuộc sống làm ăn, góp phần vào tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước trên thế giới.

Kiều bào về nước thăm đền Ngọc Sơn (Hà Nội) dịp Tết 2014 Ảnh: Hoàng Long
Kiều bào về nước thăm đền Ngọc Sơn (Hà Nội) dịp Tết 2014
Ảnh: Hoàng Long
ĐBQH BÙI VĂN XUYỀN: 
 
Quy định về đăng ký giữ Quốc tịch Việt Nam làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn và phiền hà cho kiều bào; trong một số trường hợp có thể tạo ra rào cản cho việc không ổn định làm ăn sinh sống của kiều bào. Cụ thể là đối với những người đã được nhập Quốc tịch nước ngoài mà nước sở tại đó áp dụng nguyên tắc một Quốc tịch.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy:
 
Quốc tịch là quyền nhân thân, quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân. Vì vậy, không nên nhìn nhận dự thảo luật này dưới góc độ quản lý nhà nước mà nên dưới góc độ quyền công dân.

Là người “xông đất đầu tiên” khi cho ý kiến vào Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi), ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) nói: “Tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, chúng tôi nhận được một số ý kiến cử tri băn khoăn, lo lắng về người thân, con em mình đang làm ăn ở nước ngoài sau ngày 1-7 này có thể sẽ bị mất Quốc tịch. Do vậy, họ đề nghị Quốc hội quan tâm sửa đổi Luật Quốc tịch trong kỳ họp này”.

Chính vì lẽ đó, ông Xuyền cho rằng, nên bãi bỏ quy định đăng ký giữ Quốc tịch Việt Nam. Bởi quy định giữ Quốc tịch Việt Nam chưa phù hợp với Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối ngoại đối với người Việt Nam ở nước ngoài; cũng chưa thật phù hợp với Hiến pháp mới khi Hiến pháp đã quy định người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời, là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần vào tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước trên thế giới. “Nhà nước phải có trách nhiệm thoả thuận với các nước hữu quan để đồng bào ổn định cuộc sống, bảo hộ công dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”, ông Xuyền nêu ý kiến.
Cũng theo ông Xuyền: Quy định về đăng ký giữ Quốc tịch Việt Nam làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn và phiền hà cho kiều bào; trong một số trường hợp có thể tạo ra rào cản cho việc không ổn định làm ăn sinh sống của kiều bào. Cụ thể là đối với những người đã được nhập Quốc tịch nước ngoài mà nước sở tại đó áp dụng nguyên tắc một Quốc tịch. Như vậy, công dân của chúng ta không thể đến đăng ký giữ Quốc tịch tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, vì họ phải giữ Quốc tịch ở nước mà họ đang sinh sống làm ăn. Nếu đăng ký giữ Quốc tịch Việt Nam thì có thể ảnh hưởng tới việc giữ Quốc tịch của họ ở nước ngoài. “Ban soạn thảo có thể nghiên cứu phục hồi quy định cấp giấy xác nhận có Quốc tịch Việt Nam cho những người không còn giấy tờ chứng minh Quốc tịch Việt Nam khi họ có yêu cầu cấp giấy xác nhận Quốc tịch Việt Nam. Đối với những người mà còn giấy tờ chứng minh Quốc tịch Việt Nam thì đương nhiên họ còn Quốc tịch Việt Nam. Như vậy, họ không cần thiết phải đăng ký để có Quốc tịch Việt Nam”, ông Xuyền kiến nghị.
Tạo thuận lợi cho kiều bào: Nên bỏ đăng ký giữ Quốc tịch (18/06/2014)
ĐBQH trao đổi tại ngày họp 17-6
Ảnh: Hoàng Long
Đồng tình với quan điểm bỏ quy định đăng ký giữ Quốc tịch Việt Nam, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một phần máu thịt của Việt Nam. Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, những người Việt Nam định cư ở mọi nơi trên thế giới đều tìm cách để trở về với quê cha, đất tổ. Thực tế này cũng đã được ghi nhận ở Hiến pháp, khi Điều 18 đã nói “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.

Theo bà Thúy: Bộ luật Dân sự cũng có quy định quyền có Quốc tịch là quyền nhân thân, quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân. Vì vậy, không nên nhìn nhận dự thảo luật này dưới góc độ quản lý nhà nước mà nên dưới góc độ quyền công dân. “Phải chăng do không nắm được số liệu cụ thể về người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam nên dự thảo luật vẫn tiếp tục giữ quy định đăng ký giữ Quốc tịch Việt Nam? Chính điều này gây khó khăn cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thể hiện ở chỗ để giữ quyền có Quốc tịch của mình bằng việc thực hiện nghĩa vụ bắt buộc là phải đăng ký. Tôi cho rằng một nền pháp luật công bằng phải tính đến sự tuân thủ của người dân”, bà Thúy đặt vấn đề.
Bà Thúy phân tích: gần 5 năm qua chỉ có 6.039 người trên khoảng 4,5 triệu người đăng ký giữ Quốc tịch. Thực tế trên cho thấy, để một quy định nào đó hợp pháp thì trước hết phải hợp lý, vì thực tiễn cuộc sống bao giờ cũng đòi hỏi phải hành động theo cái hợp lý. Vì cái hợp lý thường tồn tại khách quan. “Có như vậy mới đảm bảo tính khả thi của một quyết định, do đó bỏ đăng ký giữ Quốc tịch Việt Nam là hợp lý”, bà Thúy nhấn mạnh.
Trong khi đó, ĐB Hà Huy Thông (Thừa Thiên-Huế) cũng cho rằng, nếu cứ giữ thời hạn thì nhiều khả năng sẽ trở lại tình trạng như thế này sau 5 năm, thậm chí 10 năm, 20 năm. Chính vì vậy, ông Thông kiến nghị nên bỏ quy định đăng ký giữ Quốc tịch. “Luật nếu không sửa kịp thời trước ngày 1-7-2014 sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài, đặc biệt là có nguy cơ trở thành người không có Quốc tịch trên trái đất này ở những nơi chỉ công nhận một Quốc tịch hay ở những nơi người ta đang tìm cách hạn chế cấp Quốc tịch cho người Việt Nam. “Do đó, theo Điều 78 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tôi xin đề nghị Quốc hội cho phép Luật Quốc tịch sửa đổi có hiệu lực kể từ khi công bố, nghĩa là trước ngày 1-7-2014”, ông Thông kiến nghị.
H.Vũ-M. Loan

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top